Nhân chủ đề ăn uống, nhiều độc giả hỏi bác sĩ Khôi rằng: Uống rượu có lợi hay gây hại cho sức khỏe?
Dr. Khôi:Hiện nay các kết quả nghiên cứu đều khuyên người ta nên uống một ly rượu đỏ mỗi ngày vì rượu có nhiều chất Resveratrol. Vậy hôm nay chúng ta bàn một chút về chất “men say” quyến rũ này.
Vì chất resveratrol là antioxidant, nghiên cứu cho thấy rượu đỏ có thể giúp tăng chất HDL (loại cholesterol tốt), nhưng ta cũng không nên uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày. Thông thường, uống một ly nhỏ mỗi ngày thì không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những người bị đau dạ dày, hoặc đang uống aspirin hoặc các loại thuốc khác, không nên uống thường xuyên khi chưa có ý kiến chuyên môn của bác sĩ gia đình. Quý vị nên hỏi ý kiến của bác sĩ mình.
Thật ra tuy là bác sĩ, tôi cũng không đề nghị bệnh nhân uống rượu vì sợ họ bị ghiền, nhưng tôi thấy mỗi ngày một ly rượu đỏ nhỏ cũng tốt lắm. Khi uống, đừng nghĩ mình uống vì sức khỏe mà uống để thưởng thức hương vị cuộc sống, nên hãy lựa những loại mình thấy ngon, vì cuộc sống quá ngắn ngủi để phải chịu đựng những ly rượu dở, đừng cứ nghĩ thuốc đắng giã tật rồi cứ tìm thứ thiệt đắng mà nhăn mặt uống (cười).
Trở lại với chuyện tửu (không sắc)
Khi uống rượu trắng, ta nên uống khi còn mới, uống liền trong năm sản xuất, không nên để lâu qua năm vì rượu trắng dễ bị hư. Rượu đỏ ta nên để lâu hơn. Nhiều người nghĩ rằng uống rượu đỏ càng lâu năm càng ngon nhưng thật ra không phải, vì bất cứ thứ gì cũng có lúc ngon nhất của nó, giữ quá lâu sẽ không còn ngon nữa. Để bao lâu còn tùy vào loại rượu đỏ nào, chế từ loại nho nào.
Quý vị nào chưa từng uống rượu, mà muốn bắt đầu nếm thử mùi men nồng cho biết, thì nên bắt đầu với rượu trắng hơn là rượu đỏ, đặc biệt là loại Moscato (loại nho này đa số làm ở Ý và Đức, sau này Cali, Úc và New Zealand cũng bắt đầu sử dụng để làm rượu), nho có vị hơi ngọt hơn, rất thơm, và lượng alcohol chỉ có 5% thôi. Để tủ lạnh từ từ thưởng thức xem thế nào. Uống một thời gian sẽ bắt đầu đổi vị, lại thấy ngọt quá mà thường thường tâm tánh con người không thích ngọt ngào mà lại… thích ăn cay và uống đắng mới nguy chứ (cười).
À, tại sao rượu đỏ lại có vị ngọt? Do chất đường của trái nho trong quá trình lên men. Thế nên rượu Australia thường ngọt hơn của Pháp hay Ý tại vì khí hậu bên vùng Australia rất nóng, nho chín trong thời tiết nóng giữ được lượng đường cao, thành ra rượu nho Australia hay có vị trái cây, ngòn ngọt hơn. Những người chưa quen uống rượu đỏ, có thể thử rượu Australia trước khi lên “đô” (cười).
Rượu và ẩm thực
Chung quy nho được chia thành hai loại từ Old World (đất cũ) và New World (tân thế giới). Đất cũ là những nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, những vùng đất trồng nho cả ngàn năm nay. Tân thế giới là Úc, California, Canada, v.v… Những người đã thưởng thức nhiều loại rượu thường thích uống rượu của những vùng đất cũ hơn vì vị rượu thay đổi theo món ăn. Ví dụ, khi mở một chai rượu Pháp, mới uống vào chưa thấy ngon, nhưng sau 15 phút, ăn một miếng cheese (phó mát), ăn một món Pháp thì vị lại thay đổi hoàn toàn. Thế nên mới có tập tục ăn món Pháp nên uống rượu Pháp, ăn món Ý nên uống rượu Ý, vì người Ý làm rượu để ăn chung với pasta, và các món đặc sản Ý.
Muốn thưởng thức rượu nho với các món ăn Việt, mình nên uống rượu của Spain (Tây Ban Nha) vì ẩm thực nơi đó cũng mang nhiều vị cay, spicy, chứ mình ăn cá kho mà mở một chai vang Pháp uống thì… không hợp lắm (cười). Ăn cá kho thì nên uống rượu Đức, hay một chai Moscato thì tuyệt vời (cười). Hoặc uống loại rượu làm từ nho gọi là Riesling, như Riesling của Đức chẳng hạn. Ăn đồ cay nên uống rượu ngọt vì nó giúp giảm bớt vị cay nồng.
Tôi nhận thấy khi uống các loại rượu làm ở New world (tân thế giới), khi mới uống vào thấy ngon, nhưng uống trong lúc ăn thì vị không thay đổi gì nhiều. Vì vậy những loại rượu tân thế giới uống lúc nào cũng được, không cần thiết phải đi kèm với thức ăn cho đúng vị.
Riêng về Icewine là hoàn toàn khác. Ice wine làm bằng nho đông lạnh ở -8 độ, nho đông lạnh một thời gian thì lượng đường lên rất cao, hương vị cũng nồng hơn, uống nhiều không tốt. Lâu lâu uống một chút khi ăn tráng miệng thì được nhưng tôi nghĩ quý vị nào có một chai ice wine để uống mỗi ngày thì chắc hẳn phải khá giả lắm vì loại rượu này khá đắt tiền (cười).
Tuy cùng là nho nhưng hương vị rượu có thể khác tùy theo giống nho, và khí hậu trồng trọt. Như bên Pháp người ta thường gọi tên rượu theo từng vùng như Bordeaux, Hermitage, hoặc Chianti bên Ý. Có rất nhiều loại rượu bên Pháp, Ý, mà qua kinh nghiệm nếm thử, người ta sản xuất bằng cách trộn lẫn nhiều loại nho, gọi là blended wine (rượu pha). Những loại rượu chế tạo tại New World (tân thế giới) như Riesling, Cabernet Sauvignon, Merlot chỉ dùng một loại nho, nên người ta chỉ biết tên loại nho và hãng sản xuất chứ không gọi theo tên vùng xuất xứ.
Rượu nào ngon?
Hiện nay, có rất nhiều loại rượu đỏ ngoài thị trường, phải thử lần lượt mới biết được loại nào ngon, loại nào dở. Riêng tôi thấy ngon hay dở tùy thuộc vào ý thích của mỗi người. Cùng một chai rượu, có người uống ngọt thấy ngon quá, có người uống thấy chát, không ngon. Có người uống chai rượu đỏ một trăm mấy chục đô thấy ngon quá là ngon, nhưng tôi nếm thử thấy không ngon chút nào.
Khi uống rượu, mình phải thưởng thức, phải cảm thấy ngon, đừng nghĩ người khác uống thấy ngon là mình cũng sẽ thấy ngon. Không ai là chuyên viên trong vấn đề ăn uống vì ý thích của mỗi người đều khác nhau. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên uống một ít thôi, nếu uống được rượu đỏ thì tốt nhất, nếu không rượu trắng cũng được. Nhưng nhớ đừng uống cho đến nghiền (cười). Và nên hỏi ý kiến của bác sĩ mình đối với những người có bệnh.
by Dr. Khôi - Vietlife